Những bức chân dung cầu kì hình thành từ những đường nét không đồng đều. Điểm xuyết thêm là những vệt màu rải rác không quy tắc. Đó chính là phong cách nghệ thuật của Hom Nguyen. Vài năm trở lại đây Hom Nguyen, họa sĩ người Pháp gốc Việt, đang trở thành cái tên hot trên mạng xã hội. Trang Facebook chính thức hơn 100 nghìn like, Instagram hơn 50 ngàn người theo dõi. Nhìn qua những con số đấy ai cũng thể cho rằng đây là một người nghệ sĩ thành công với phong cách nghệ thuật bắt mắt. Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì nếu nhìn ở góc độ của một người am hiểu nghệ thuật.
Trong hội chợ nghệ thuật Paris Art Fair 2018 vừa qua, phòng trưng bày Az2 đại diện cho Hom Nguyen, cũng đã có mặt như mọi năm để quảng bá các tác phẩm mới của họa sĩ này. Để tìm hiểu thêm tại sao Hom Nguyen lại có được một số lượng tương tác cao trên mạng xã hội như thế, Out And Out đã có mặt và trò chuyện với người đại diện. Không nằm xa dự đoán, những lí lẽ về tư duy nghệ thuật của Hom Nguyen đưa ra bởi người đại diện không có một chút thuyết phục. Hãy cùng Out And Out, phân tích và tìm hiểu những điều ẩn chứa sau các tác phẩm của Hom Nguyen.
Tư duy nghệ thuật thiếu thuyết phục và đầy tính quảng bá
Khi người viết có mặt tại quầy của phòng trưng bày A2Z, đã có rất nhiều người ở đó đến chụp ảnh chung với tác phẩm của Hom Nguyen. Điều tương tự diễn ra mà chúng ta thường thấy ở các địa điểm du lịch nổi tiếng Paris. Out And Out đã có cuộc trao đổi nhanh chóng với người đại diện.

Tác phẩm này được định giá 50 ngàn euro

Theo người đại diện, tranh của Hom Nguyen tạo cho người xem trải nghiệm gọi là “thưởng ngoạn kĩ thuật số”. Người đại diện nói rằng khi ngắm tranh của Hom Nguyen qua màn hình điện thoại thì khối và các đường nét sẽ trở nên sống động hơn !? Người viết cũng thực hiện theo hướng dẫn của phía phòng trưng bày và sau đó đặt câu hỏi khái niệm này có phải là ý tưởng của họa sĩ. Người đại diện trả lời rằng đây là phát hiện của phía phòng trưng bày và có dự tính sẽ tạo ra một trường phái mới theo phong cách nghệ thuật của Hom Nguyen.
Sau cuộc trao đổi, người đại diện cũng gởi cho phía Out And Out thiệp mời VIP tham dự buổi khai mạc triển lãm mới của Hom Nguyen, có sự tham gia của rapper Joey Starr.

Khi được hỏi tại sao Hom Nguyen lại có nhiều tương tác trên mạng xã hội, người đại diện cũng thừa nhận phòng trưng bày A2Z đã làm chiến dịch quảng bá cho họa sĩ.
Tới đây, người viết cảm thấy hoàn toàn thiếu thuyết phục với các tác phẩm của Hom Nguyen. Theo luận điểm (nặng tính quảng bá) qua cuộc trao đổi, với khái niệm nghệ thuật của Hom Nguyen, chúng ta được khuyên nên ngắm tranh qua màn hình điện thoại hơn là trực tiếp. Có thể nói rằng, Hom Nguyen có sự đầu tư nhiều vào truyền thông hơn là chuyên môn. 2 ngày khai mạc (1 VIP và 1 công chúng) cùng với sự xuất hiện cppp l ủa Joey Starr là hoàn toàn không cần thiết.
Sự bắt chước không hoàn thiện dẫn đến lầm tưởng về tư duy nghệ thuật.
Qua tìm hiểu, Hom Nguyen là họa sĩ tự đào tạo và đã trải nghiệm qua nhiều nước. Phong cách vẽ tượng trưng của Hom Nguyen lấy cảm hứng của Jason Pollock cùng với triết lí nhân cách (persona) của Carl Jung. Hom Nguyen muốn lột tả nhân cách trần của con người qua các tác phẩm chân dung của mình.
Như vậy, rõ ràng đã không có sự thống nhất nào giữa Hom Nguyen và người đại diện khi chuẩn bị cho Art Fair Paris 2018 kì này. Các tác phẩm chân dung của họa sĩ to và nổi bật giữa hội chợ. Các nét nguệch ngoạc khiến người xem lầm tưởng đây là Jackson Pollock của tranh chân dung. Việc tự đào tạo có phần thiếu nghiên cứu của Hom Nguyen, đã vô tình tạo cho họa sĩ một tư duy nghệ thuật vô cùng “hồn nhiên”.
Tranh của Hom Nguyen vô hồn. Những đôi mắt thường được vẽ rất đậm và màu sắc được đặt 1 cách không chủ ý như 1 sự cố gắng tạo ra cái vẻ “hay hay” của Pollock. Những bức chân dung em bé, người già… dễ hiểu và dễ chiếm cảm tình như đang cầu khẩn sự đón nhận của người xem.
Tranh của Hom Nguyen cũng giống như các quảng cáo, các bộ phim tình cảm với mô típ cũ và dễ đoán nhưng luôn cố gắng lấy nước mắt người xem nhằm thu về doanh thu phòng vé. Điều đó không có gì là xấu nhưng nó không thể nào khỏa lấp sự thiếu sáng tạo và sự bắt chước của Hom Nguyen. Một điều thú vị là, trong một nhà hàng Việt Nam ở quận 13, Paris, có nhiều tác phẩm rất giống của Jason Pollock nhưng màu sắc rất rực rỡ. Được biết, chính Hom Nguyen chính là tác giả của những tác phẩm này.

1 trong những tác phẩm tượng trưng nhất của Jason Pollock. Khoảng thời gian này, mặc dù nhận được sự đón nhận của công chúng và xuất hiện trong tạp chí Vogue, nhưng ông vẫn có mâu thuẫn của bản thân. Ông sợ sẽ bị đánh giá là “họa sĩ trang trí” bởi phong cách trừu tượng của mình. Ông quyết định giới thiệu lại một số tác phẩm tượng trưng. Bức tranh này mô tả những đôi mắt bị che khuất ẩn bên trong những mảng màu, rất xoáy, di chuyển động từ các vùng đất xám xịt, rậm rạp. Tính thể hiện của tác phẩm chính là sự kết hợp mạnh mẽ, năng động giữa tượng trưng và trừu tượng tạo nên cái cốt lõi đa tầng trong phong cách tranh của Jason Pollock.

Sẽ hợp lí nếu Hom Nguyen học theo Lucian Freud nếu muốn theo đuổi phong cách tượng trưng thay vì Jason Pollock. Các tác phẩm của Lucian Freud có kĩ thuật cao và khả năng lột tả chân thật. Bố cục của Hom Nguyen có phần khá tương đồng với các tác phẩm của Lucian Freud. Tuy nhiên, Hom Nguyen bị mắc kẹt trong mê cung của những hình ảnh thông qua trí nhớ và cảm xúc bản thân. Các gương mặt hoàn toàn giống nhau một cách nhàm chán từ bố cục và ánh mắt. Trong khi đó, Lucian Freud thực hiện rất nhiều quan sát. Ông làm việc trực tiếp với mẫu thật. Cùng với kĩ thuật nhấn nhá bố cục gương mặt điêu luyện, phông nền trắng, Lucian Freud lột tả được tâm lí sâu nặng và phần nào tạo nên tính trừu tượng của chủ thể.
Sự thành công của một nghệ sĩ không thể chỉ dựa vào sự ủng hộ của đám đông. Tính đại chúng chỉ dành cho những sản phẩm nghệ thuật giải trí đơn thuần. Hom Nguyen có thể sẽ là một người nghệ sĩ đại chúng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở phong cách này, cùng với các cộng sự có phần mơ hồ về nghệ thuật đương đại thì giới sưu tầm, phê bình và am hiểu nghệ thuật sẽ không bao giờ biết đến cũng như công nhận cái tên này.
—-
Bài viết và hình ảnh bởi: Tâm Huỳnh. Out And Out – Truyền thông nghệ thuật.
Bài viết chân thật & có chiều sâu.